Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Peer Pressure có thật sự đáng sợ?

PEER PRESSURE CÓ THẬT SỰ ĐÁNG SỢ?

Em đang rơi vào khủng hoảng tâm lý? Em đang cảm thấy mình bất lực, thua kém so với những đứa bạn cùng trang lứa và không biết thoát ra khỏi vòng xoáy ấy như thế nào. Đây có lẽ là tình trạng mà bất cứ bạn học sinh nào cũng từng trải qua, nó được gọi là Peer Pressure. Hãy cùng đọc bài viết này để hiểu rõ hơn về chúng cũng như làm thế nào các em có thể vượt qua Peer Pressure nha! 
1. Peer Pressure là gì? 
Peer pressure là một thuật ngữ chuyên dùng trong các lĩnh vực tâm lý học hay giáo dục. Nó được xem là một tình trạng mà bản thân con người cảm thấy thua kém, tự ti về giá trị bản thân, thành quả mình đạt được không xuất sắc như bạn bè mình, hay nói một cách ngắn gọn, Peer pressure là áp lực đồng trang lứa. Bạn luôn cố gắng thay đổi thích nghi theo xu hướng chung của xã hội, cố gắng đạt những điều như bạn bè để rồi dần đánh mất bản sắc riêng của chính mình. 
2. Nguyên nhân xuất hiện Peer pressure 
Tâm sinh lý chưa ổn định 
Có thể nói Peer pressure vẫn thường xảy ra phổ biến nhất đối với trẻ vị thành niên, độ tuổi mà họ bắt đầu phát triển về mặt tâm sinh lý. Khoảng thời gian lúc này tư duy và cách nhìn nhận cuộc sống của các em có đôi phần hạn hẹp, chưa thật sự bao quát nhiều khía cạnh. Điều này đã vô tình khiến các em dễ dàng rơi vào khủng hoảng, so sánh bản thân với bạn bè cùng trang lứa. Em cảm thấy dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi lời nói và hành động của người khác. 
Mạng xã hội 
Trong thời đại công nghệ số hiện nay thì mạng xã hội đã vốn vô cùng quen thuộc với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên được xem như con dao hai lưỡi, ảnh hưởng không ít đến suy nghĩ và hành vi của con người. Việc lướt news feed và thấy bạn bè của mình đạt được các thành tích cao thông qua trang cá nhân của họ có thể sẽ khiến khủng hoảng về Peer pressure của em trầm trọng hơn. 
Khao khát hòa nhập 
Bước vào môi trường mới, có những người bạn mới, em muốn hòa nhập và kết bạn với mọi người nhưng cảm thấy thua kém họ. Peer pressure đã dần hình thành từ đây khi bản thân tự so sánh mình với các bạn cùng nhóm, cùng lớp,... Bạn tự ti về khả năng chính mình, nghĩ rằng mình không đủ xuất sắc để gia nhập vào hội nhóm, câu lạc bộ sôi nổi đó. Giữa nhóm bạn toàn người xuất sắc như vậy, một áp lực vô hình đã vô tình đè nặng trên đôi vai em. 
3. Cách giải quyết Peer pressure 
Vậy một đứa trẻ vị thành niên có thể vượt qua khủng hoảng Peer pressure này như thế nào? Dưới đây là một số gợi ý mà các em có thể tham khảo để vượt qua áp lực vô hình này nha! 
Xác định mục tiêu 
Hãy lắng nghe chính mình, biết được mục tiêu của bản thân là gì: “ Ngôi trường Đại học mơ ước của bản thân? Mục tiêu điểm thi Đại học của mình là bao nhiêu? Trong 5 năm tới em sẽ đạt được thành tựu gì?” Nếu em thật sự xác định được cụ thể mục tiêu của mình thì hãy tập trung vào chúng, đừng quan tâm đến bất kì lời phán xét của ai hay cảm thấy áp lực so với các bạn cùng trang lứa. Sự kiên định với mục tiêu của chính bản thân sẽ giúp em không rơi vào trạng thái Peer pressure. 
Hiểu rõ giới hạn của bản thân 
Các em phải biết một điều rằng mỗi người đều là một cá thể riêng biệt và độc nhất. Mỗi chúng ta đều có một cá tính, khả năng khác nhau. Chính vì điều đó, đừng đánh đồng với bất cứ ai, đừng cảm thấy tự ti về bản thân mình. Thành công không đo đạc bằng thời gian, miễn là con đường em chọn là đúng đắn, sự nỗ lực và quyết tâm từng ngày là đúng hướng. Hãy luôn yêu quý và trân trọng bản thân, biết rõ giới hạn của mình để từ đó điều chỉnh cho cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. 
Có thái độ sống tích cực 
Một lối sống lành mạnh, vui vẻ chắc chắn sẽ là một liều thuốc chữa lành tâm hồn dễ tổn thương của em. Hãy cứ cười tươi và cảm thấy biết ơn cuộc đời vì đã trao tặng cho em những món quà quý giá nhất, trao cho em cơ hội được sống là chính mình, là một phiên bản độc nhất. Mỉm cười và chấp nhận cá tính bản thân là một cách giúp em vượt qua khủng hoảng tâm lí ấy. Đôi khi mọi người vẫn thường hay nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của Peer pressure mà chưa thực sự nhận ra nó có thể giúp hoàn thiện bản thân hơn nếu như nhìn ở một góc độ khác. 
Hãy biến áp lực trang lứa thành một nguồn động lực tích cực giúp em phải luôn cố gắng học hỏi, trau dồi bản thân mỗi ngày. “Hạnh phúc là khi chúng ta được sống đúng với chính mình. Bạn không cần người khác phải thừa nhận điều đó, chỉ cần bạn hiểu và hạnh phúc là đủ đầy.” (Thầy Thích Nhất Hạnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét